Thứ năm, 25/04/2024
(Thứ ba, 23/08/2022, 03:26 pm GMT+7)

Nhẹ dạ, cả tin trước lời mời chào hấp dẫn sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, nhiều người đã vỡ mộng, phải chạy trốn hoặc cầu cứu gia đình gửi tiền chuộc về. 

Bỏ tiền chuộc, vượt sông chạy trốn
Mấy ngày qua, mạng xã hội và báo chí dậy sóng bởi clip hơn 40 công dân Việt Nam bỏ trốn khỏi sòng bài Casino Rich World ở tỉnh Kandal (Campuchia) bơi qua sông Bình Di (An Giang) về nước. Trong số này, tỉnh Bắc Giang có 4 công dân là: Hoàng Văn Bốn (SN 1997), Vi Văn Hành (SN 1998), Lục Văn Mai (SN 1999), Vi Văn Bưởi (SN 2002) đều ở xã Hộ Đáp (Lục Ngạn). Khai thác nhanh, những người này cho biết do làm việc quá thời gian quy định, không được trả lương nên đã bàn nhau  sáng 18/8 tập trung lại, đồng loạt tấn công bảo vệ rồi bơi qua sông trốn về Việt Nam. 

Thời gian gần đây nổi lên tình trạng người Việt Nam trong đó có công dân Bắc Giang bị lôi kéo, dụ dỗ đi làm việc cho các doanh nghiệp tại Campuchia và Philippines với lời mời hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là làm việc cho các công ty tài chính, games online, đánh bạc trực tuyến, bán hàng đa cấp, sòng bài. 

Tháng 4/2022, Công an huyện Lục Ngạn đã tiếp nhận  đơn trình báo của 3 công dân xã Phượng Sơn và Quý Sơn phản ánh: Thông qua người có tên là Đỗ Văn Hiệp (SN 1993) trú tại ngã ba Sao Bọng, xã Đức Liễn, huyện Bù Đăng (Bình Phước), 8 người thân của 3 công dân đã xuất cảnh sang Campuchia lao động. Tuy nhiên, ít ngày sau các gia đình nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn qua zalo từ Campuchia với nội dung: Con em họ đã bị bắt giữ trái pháp luật tại Casino Rich World và bị yêu cầu phải nộp 150 triệu đồng mỗi người thì mới được thả về. 

Lo sợ người thân bị hãm hại nên gia đình các nạn nhân đã đưa cho ông Nguyễn Hữu D (SN 1964, có con làm việc tại casino này) ở thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn đứng ra chuyển 480 triệu đồng vào 3 số tài khoản. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, những đối tượng ở Campuchia tiếp tục đòi bồi thường thiệt hại mỗi trường hợp 5.000 USD nữa, đồng thời giữ số người trên trong phòng, thu hộ chiếu, điện thoại. Sau khi gia đình gửi đủ số tiền theo yêu cầu, 8 nạn nhân mới được thả về.

Cặp vợ chồng ở xã Trù Hựu (Lục Ngạn) làm việc tại sòng bài ở Campuchia, phải nộp hơn 200 triệu đồng cho các đối tượng mới được trở về nhà an toàn. Ảnh: Minh Thúy.

Cặp vợ chồng ở xã Trù Hựu (Lục Ngạn) làm việc tại sòng bài ở Campuchia, phải nộp hơn 200 triệu đồng cho các đối tượng mới được trở về nhà an toàn. 

Qua tìm hiểu từ những công dân ở Lục Ngạn vừa trở về cho thấy, thông qua mạng xã hội, họ được mời chào sang Campuchia làm việc, hướng dẫn đi đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh rồi sang Campuchia. Sau đó có người đưa đến sòng bài để học việc, ký hợp đồng với công ty cờ bạc do người Trung Quốc làm chủ, mức tiền công thử việc là 800 USD/tháng, chính thức là 1.000 USD/tháng. Hợp đồng và hộ chiếu phía công ty giữ lại. 

Sau khi học việc trên máy tính khoảng 20 ngày, các lao động được đưa đến nơi khác để làm từ 9 giờ sáng đến 24 giờ đêm. Mỗi người phải đạt được doanh thu do chúng đưa ra tương đối cao, nếu không  sẽ bị tăng ca. Do quá áp lực nên 8 người ở Lục Ngạn đã xin nghỉ việc nhưng không được chấp nhận, phải bỏ ra một khoản tiền lớn để chuộc. Được biết, đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc, có sự giúp sức của một số người Việt tại Campuchia. 

Không có chuyện “việc nhẹ, lương cao”
Từng có 3 năm đi lao động tại Campuchia với công việc thợ mộc, anh Nguyễn Anh Thu (SN 1987) ở thôn Ngoẹn, xã Tiên Lục (Lạng Giang) cho biết: "Ở Việt Nam hay Campuchia cũng vậy, không bao giờ có chuyện làm việc nhẹ mà lại được lương cao như những lời chào mời trên mạng, ngoại trừ làm ăn phi pháp. Tôi có người thân ở Thủ đô Phnom Penh mời sang làm nghề mộc, có người nhà tin tưởng mới dám sang. Làm việc chăm chỉ mà mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 15 triệu đồng. Cùng đi với tôi đợt đó còn có chục người khác ở huyện cũng sang làm mộc, tất cả đều đã về nước”. Về quê vay mượn thêm mở xưởng mộc tư nhân tại nhà, chuyên làm đồ gia dụng, anh Thu thấm thía đúng là làm ở đâu cũng không bằng ở quê hương mình.

Hiện nay, lợi dụng tình trạng thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều đối tượng xấu đã đăng tải các tin, bài tuyển dụng lao động trên mạng xã hội hoặc trực tiếp gặp gỡ, rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh (có cả trái phép và hợp pháp) sang Campuchia. Thủ đoạn của các đối tượng là nhắm vào thanh niên biết sử dụng máy vi tính, thậm chí biết các trò chơi games online để khi vào việc chúng dễ dàng điều khiển. Để chiếm được lòng tin, đối tượng xấu đưa ra những lời hứa hẹn lương cao (lên tới hàng chục triệu đồng/tháng) kèm theo chế độ đãi ngộ hấp dẫn khiến rất nhiều người mắc bẫy. 

 

Hiện có khoảng 200 công dân Bắc Giang đang ở Campuchia nghi bị dụ dỗ làm việc tại các sòng bạc. Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương và phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình lao động tại đây. Đồng thời cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao.

 

Sau khi sang Campuchia, nạn nhân làm việc rất vất vả, lao động từ 12-16 tiếng/ngày. Ngoài việc bị ép làm việc tại các sòng bài, các nạn nhân còn phải mở các tài khoản trên mạng xã hội, giả danh các công ty, đơn vị, cá nhân để làm việc phi pháp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu chống đối sẽ bị nhốt bỏ đói, bán sang các chủ sử dụng lao động khác. Những trường hợp trong quá trình khai thác, chúng thấy gia đình có điều kiện thì yêu cầu nạn nhân phải gọi điện cho gia đình gửi tiền sang với lý do phá hợp đồng, phải bồi thường số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Thượng tá Hoàng Văn Liên, Trưởng Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh cho biết: Những thủ đoạn của các đối tượng dụ dỗ công dân Việt Nam sang Campuchia là hết sức tinh vi, nguy hiểm, chúng sử dụng công nghệ cao, xảy ra ở nước ngoài, do vậy việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các huyện, TP và các phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình người lao động bị lừa đưa qua Campuchia. Đồng thời cảnh báo người dân cảnh giác trước các lời mời “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại... trên mạng xã hội. 

Trước khi xác định đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về địa điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu; liên hệ cơ quan chức năng để được tư vấn, hỗ trợ; phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan công an.

Theo Báo Bắc Giang

 

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp