Thứ năm, 12/12/2024
(Thứ hai, 18/11/2024, 10:26 am GMT+7)

Trong những năm gần đây, đã xuất hiện một số vụ cháy, nổ liên quan đến xe điện, chủ yếu tập trung ở nhóm các loại xe máy điện, xe đạp điện. Một số vụ điển hình như: (1)Vụ cháy xe máy điện khi đang sạc xảy ra vào ngày 25/09/2020 tại phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh; (2)Vụ cháy xe máy điện khi đang sạc tại hầm chung cư cao cấp Masteri Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vào ngày 16/01/2022; (3)Vụ cháy xe máy điện khi đang sạc tại hầm chung cư Eco Green City, Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội xảy ra vào ngày 09/07/2022; (4)Vụ cháy, nổ xe máy điện khi đang sạc bị chập vào ngày 13/07/2023 tại phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến 02 người chết; (5)Vụ cháy nhà ở cho thuê trọ xảy ra vào ngày 24/5/2024 tại phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội làm 14 người chết, 03 người bị thương.

Hình ảnh hiện trường vụ cháy nhà ở cho thuê trọ xảy ra vào ngày 24/5/2024 tại phố Trung Kính

1. Tính chất, đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của pin Li-ion

- Giải phóng các khí độc và dễ cháy: Tương tự như xe động cơ đám cháy các phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion giải phóng ra hỗn hợp khí, trong đó lượng khí HF (một loại khí rất độc) tỏa ra từ đám cháy xe điện cao hơn nhiều lần so với xe động cơ đốt trong.

- Giải phóng ngọn lửa áp lực cao: Ngọn lửa khi cháy xe điện có áp lực khá lớn, xuất phát từ vị trí đặt khối pin Li-ion và kèm theo hỗn hợp khí cháy thoát ra, độ dài ngọn lửa phụ thuộc vào dung lượng pin và lượng điện tích còn lại. Ngọn lửa xe điện là ngọn lửa áp lực xuất phát từ vị trí đặt pin, có hướng phun ngang từ gầm xe nên khả năng cháy lan theo một hướng cao hơn xe động cơ đốt trong.

- Nguy hiểm gây nổ và văng các mảnh vỡ ra xung quanh: Hỗn hợp khí cháy thoát ra từ pin Li-ion dưới tác động của ngọn lửa, khi đạt đến giới hạn áp suất nhất định có thể gây nổ. Xác suất xảy ra vụ nổ khi cháy pin Li-ion là thấp nhưng có mức độ nghiêm trọng cao do khả năng bắn ra vật chất cháy kèm ngọn lửa gây cháy lan xung quanh.

- Nguy cơ bị điện giật: Một số hệ thống pin Li-ion có điện áp tới vài trăm vôn (như hệ thống pin Li-ion trên các phương tiện giao thông), do đó, khi chữa cháy bằng nước đối với một số đám cháy liên quan đến pin Li-ion (như chữa cháy xe điện) vẫn đang trong chế độ sạc hoặc người chữa cháy tiếp xúc trực tiếp vào cả hai điện cực của pin có thể bị điện giật.

- Nguy cơ bùng cháy trở lại: Khi pin Li-ion trong giai đoạn thoát nhiệt, các phản ứng hóa học kết hợp bên trong tiếp tục xảy ra kể cả sau các hoạt động chữa cháy có thể khiến pin Li-ion cháy trở lại ngay cả sau khi ngọn lửa đã bị dập tắt.

- Khả năng tiếp cận gốc lửa: Các bộ pin của xe điện được bố trí bên trong các ngăn hoặc khu vực được gia cố chắc chắn trong khung, gầm xe. Do đó, khi các bộ pin xe điện bị cháy thì việc đưa các chất chữa cháy vào khu vực pin đang cháy là rất khó khăn.

- Thời gian cháy, lượng chất chữa cháy cần thiết: Đám cháy xe điện kéo dài hơn đám cháy xe động cơ đốt trong (1 đến 2 giờ) do các phản ứng hóa học có thể vẫn tiếp diễn âm ỉ bên trong khối pin; vì vậy, lượng chất chữa cháy cần thiết để dập tắt đám cháy đối với xe điện lớn hơn đối với xe động cơ đốt trong khiến việc chữa cháy và dập tắt hoàn toàn ngọn lửa khó khăn.

2. Cách phòng cháy pin Li-ion

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng xe có sử dụng pin Li-ion, Công an huyện Tân Yên cảnh báo người dân tuân thủ các biện pháp sau:

- Lựa chọn và sử dụng xe điện có chất lượng đảm bảo.

- Thực hiện việc sạc pin theo hướng dẫn; khi phát hiện ắc quy, pin bị phù, nứt… thì cần thay thế bằng ắc quy, pin mới.

- Sạc pin khi sắp cạn và sử dụng nguồn điện phù hợp, ổn định. Các trạm sạc điện phải tuân thủ các yêu cầu về giải pháp phòng cháy, chống cháy lan trong các khu vực xung quanh và cần được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện PCCC.

- Đối với xe máy, xe đạp điện, chờ pin nguội khoảng 20 phút sau khi sử dụng trước khi sạc, tránh sạc ngay sau khi sử dụng hoặc sạc quá 8 giờ liên tục.

- Trong trường hợp xe không được sử dụng trong thời gian dài, bạn nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; tránh để pin ở nơi nóng, ẩm.

- Sạc pin ở nơi khô ráo và thoáng mát; tránh sạc trong phòng kín, đảm bảo thông thoáng và nhiệt độ từ 0 - 35oC.

- Không để pin, bộ sạc gần các vật dụng dễ cháy, nổ hoặc nguồn lửa, nguồn nhiệt.

- Thường xuyên kiểm tra quá trình sạc pin để phát hiện và xử lý sự cố kịp thời.

- Ngừng sạc pin trước khi rời nhà hoặc đi ngủ; không sạc qua đêm và không để pin sạc khi không có người ở nhà.

- Không tự ý thay đổi cấu trúc xe, lắp thêm phụ kiện hoặc thiết bị có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện của xe, bởi nó có thể gây ra sự cố nghiêm trọng.

- Tuân thủ các quy định về kiểm tra và bảo dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3. Cách xử lý ban đầu khi cháy pin Li-ion

- Khi pin Li-ion cháy, bạn hãy ngắt nguồn điện ngay lập tức.

- Sau đó, sử dụng bình chữa cháy dập đám cháy do pin Li-ion: Sử dụng bình chữa cháy CO2 để xịt trực tiếp vào nguồn lửa. Khí CO2 có khả năng dập tắt đám cháy nhanh chóng mà không gây hỏng thiết bị điện. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn hãy xịt khí CO2 trực tiếp vào gốc lửa. Trường hợp không có bình khí CO2, bạn có thể sử dụng bình chữa cháy dạng bột. Tuy nhiên cần lưu ý: Việc sử dụng bình bột có thể gây hỏng mạch của các thiết bị điện tử, đặc biệt là đối với những thiết bị có giá trị cao.

- Trong trường hợp không có bình chữa cháy thì sau khi ngắt nguồn điện, bạn có thể sử dụng một chăn chiên ngâm vào nước và chùm lên ngọn lửa để ngăn cháy lan và báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (114), Công an huyện Tân Yên (02403.878.205) hoặc cơ quan Công an gần nhất và chính quyền địa phương.

Thân Mạnh - CAH Tân Yên./.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp