Thứ sáu, 29/03/2024
(Thứ hai, 07/11/2022, 10:46 am GMT+7)

    Bằng cách tiếp cận linh hoạt, cương quyết của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhiều trường hợp đăng tải thông tin xấu độc trên mạng xã hội đã được gỡ bỏ kịp thời. Tuy nhiên, để ngăn chặn, xử lý triệt để những đối tượng xấu, cố tình xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và lãnh đạo địa phương cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

    Chủ động tiếp cận, cảm hóa 

    Trước tình trạng thông tin xấu độc xuất hiện trên mạng xã hội thời gian gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhiều cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tăng cường đấu tranh, phản bác. Nhiều trường hợp do có sự sâu sát ngay từ cơ sở, cộng với cách tiếp cận hợp lý nên đã có tác dụng xử lý kịp thời, hạn chế tác động xấu đến dư luận xã hội.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng đại diện Đảng ủy, Công an và Đoàn Thanh niên xã Đoan Bái trao đổi về biện pháp đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng đại diện Đảng ủy, Công an và Đoàn Thanh niên xã Đoan Bái trao đổi về biện pháp đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng.

    Đồng chí Đỗ Trọng Thân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) nhớ lại, cách đây gần 1 năm, đồng chí đã cùng Trưởng Công an thị trấn cảm hóa một trường hợp thường xuyên đưa thông tin trái chiều, thiếu chính xác lên mạng xã hội. 

    Đó là công dân Trần Văn T, thường trú trên địa bàn thị trấn. Ông T hay có ý kiến không mang tính xây dựng đối với các cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Nhiều vụ việc chưa tìm hiểu kỹ nhưng ông đã vội đưa tin lên trang Facebook cá nhân, nội dung mang tính suy diễn chủ quan, khiến nhiều người dân hiểu lầm. Đơn cử như khi tổ dân phố tổ chức san gạt, mở rộng đường giao thông trong các ngõ, đất đá rơi vãi ra đường, chưa kịp thu dọn, ông T đã chụp ảnh đưa lên Facebook, phê bình, cho rằng cán bộ làm việc tắc trách, không vì dân. Lợi dụng thông tin này, một số đối tượng cơ hội chính trị đã bình luận, nói xấu cán bộ, chính quyền địa phương.

    Từ thực tế trên, đồng chí Đỗ Trọng Thân cùng Công an thị trấn mời ông T về trụ sở làm việc. Lúc đầu, ông T không nghe, một mực cho là đúng vì chỉ ghi chung chung, không nêu tên cụ thể. Sau khi được phân tích những tác động xấu từ việc đăng tin chưa chuẩn xác, ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuối cùng ông T cũng nhất trí gỡ bỏ thông tin trên trang Facebook cá nhân.

    Không chỉ mời ông T lên trụ sở Công an thị trấn làm việc, đồng chí Đỗ Trọng Thân còn đến gia đình, gặp gỡ riêng nhằm chia sẻ về những mặt trái của mạng xã hội cũng như các hình thức xử phạt đối với hành vi trên. Ông Trần Văn T tâm sự: “Trước đây, tôi nghĩ mình thấy gì ở ngoài xã hội chưa “vừa mắt” là chụp ảnh, đăng tin lên mạng xã hội nhằm cho mọi người biết, cũng là nhằm đấu tranh, phê bình. Sau khi được cán bộ địa phương nhắc nhở, phân tích đúng sai, tôi nhận ra tác hại của việc mình làm”.

    Đầu tháng 8/2022, trên địa bàn xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) xảy ra vụ việc một cán bộ ở cơ quan Nhà nước cố tình xây tường bao ra đất công ích của thôn K. Công dân này đang công tác và sinh sống ở xã khác nhưng có đất ở xã Đoan Bái. Thấy vậy, đồng chí Nguyễn Văn N, trưởng thôn K đến nhắc nhở, yêu cầu dừng thi công công trình. Thế nhưng người cán bộ đã to tiếng với đồng chí N. Do bức xúc từ cách ứng xử trên, ngay trưa hôm đó, đồng chí N viết trên Facebook cá nhân với nội dung đại ý là làm cán bộ chuyên đi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng mà bản thân lại không gương mẫu, lấn chiếm đất công.

    Đồng chí Đặng Thị Vân Hào, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đoan Bái cho biết: “Mặc dù đồng chí N không nêu tên cụ thể ai, ở đâu, vụ việc gì nhưng do bản thân đang làm trưởng thôn nên khi đăng thông tin trên mạng xã hội, nhiều người đã lầm tưởng trong đội ngũ cán bộ địa phương đang mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương”. Đồng chí Hào đã kịp thời gọi điện và trực tiếp gặp gỡ đồng chí N, yêu cầu gỡ bỏ bài viết đó. Lúc đầu, đồng chí N chưa nghe ra, cho rằng không nói cụ thể cá nhân ai nhưng sau khi được phân tích cặn kẽ tác động xấu từ thông tin này đồng chí đã gỡ bỏ bài viết.

Cán bộ Công an huyện Lục Ngạn tuyên truyền cho giáo viên, học sinh Trường THPT Lục Ngạn số 4 về tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng và cách phòng tránh, đấu tranh.

Cán bộ Công an huyện Lục Ngạn tuyên truyền cho giáo viên, học sinh Trường THPT Lục Ngạn số 4 về tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng và cách phòng tránh, đấu tranh.

    Theo đồng chí Lê Hồng Việt, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, nhiều người dân do nhận thức pháp luật còn hạn chế, trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhạy bén chính trị còn có tư tưởng đơn giản khi đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu độc lên mạng xã hội. 

    Bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã gặp gỡ, làm việc và yêu cầu gỡ bỏ, cải chính hơn 300 vụ việc, nội dung đăng tải thông tin xấu độc trên mạng xã hội. “Trừ số ít đối tượng có thái độ tiêu cực, chuyên khiếu kiện kéo dài thì đa số các trường hợp sau khi bị nhắc nhở, xử phạt đều tự giác gỡ bỏ, không tái phạm”, đồng chí Việt cho biết thêm.

    Phát huy sức mạnh tổng hợp

    Cơ quan chức năng nhận định, thời gian tới, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Nhân cơ hội này, các đối tượng tiêu cực, phản động sẽ tiếp tục xuyên tạc sự thật, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo, quản lý, làm phai nhạt lý tưởng của Đảng.

    Thực tế cho thấy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Tuy nhiên, một số đối tượng dù đã được tuyên truyền, vận động vẫn cố tình đưa thông tin sai trái, xuyên tạc lên mạng xã hội.

    Để công tác đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên môi trường mạng hiệu quả hơn, trước hết cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng; tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tác hại từ việc đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu độc; cách thức nhận diện về những loại thông tin đó.

    Đặc biệt, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở chủ động tiếp cận, cảm hóa những trường hợp có tư tưởng tiêu cực, nhìn nhận vấn đề xã hội phiến diện, chủ quan; gắn trách nhiệm cụ thể cho từng đoàn thể với đoàn viên, hội viên của mình. Mỗi khi có trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin xấu độc trên mạng xã hội, nếu là đoàn viên, hội viên của đoàn thể nào thì đại diện tổ chức ấy chủ động tiếp cận, tuyên truyền, vận động gỡ bỏ hoặc cải chính thông tin; đồng thời yêu cầu cam kết không tái phạm.

Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Đảng bộ CCQ tỉnh hiện nay”.

Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Đảng bộ CCQ tỉnh hiện nay”.

    Theo đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bắc Giang, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện đúng quy định kỷ luật phát ngôn trong Đảng; nghiêm cấm làm lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, tán phát đơn thư nặc danh, mạo danh hoặc thư có danh nhưng chứa nội dung xuyên tạc, vu khống, kích động.

    Bên cạnh đó, tăng cường đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái trên mạng xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; vừa tập trung chia sẻ những thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, vừa phân tích, tìm ra điểm sai trái, phi logic, lập lờ của các bài viết, thông tin xuyên tạc.

    Mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình tư tưởng, dư luận xã hội từ đó tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi cộm nảy sinh, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, kích động, lôi kéo biến thành “điểm nóng”.

    Các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí khởi tố theo quy định của pháp luật hình sự những trường hợp cố tình đăng tải, chia sẻ thông tin xấu độc, xuyên tạc, qua đó tăng tính răn đe trong xã hội.

Theo Báo Bắc Giang

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp