Thứ sáu, 29/03/2024
(Thứ ba, 25/08/2020, 01:34 pm GMT+7)

                                                                              Hình minh họa

     Theo Điều 3 của Luật Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

     Hiện nay, để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ, nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ,...). Cùng với đó, cơ quan nhà nước phải thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tập hợp các văn bản lưu trữ và cơ sở dữ liệu riêng để phục vụ hoạt động của ngành, lĩnh vực, trong đó đều có các thông tin cơ bản của người dân: Họ, tên, ngày, tháng năm, sinh, quê quán, cư trú, quốc tịch, dân tộc...

     Với cách thức như hiện nay, việc quản lý dân cư ở nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như sau:

  • Với quy mô dân số lên tới trên 90 triệu dân, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hằng năm ở nước ta trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Với điểm chung là phần lớn thủ tục hành chính đều đòi hỏi công dân phải kê khai và tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ để chứng minh nhân thân, trong đó hai loại giấy tờ đòi hỏi nhiều nhất là sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.
  • Việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu của các cơ quan, ban, ngành mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các CSDL nên dẫn đến tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, trong nhiều trường hợp không có sự thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu khác nhau của từng cơ quan.
  • Thông tin trong các giấy tờ cá nhân của công dân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế;...) đều có nội dung trùng lặp các thông tin cơ bản của công dân (họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch...). Tuy nhiên với cách thức quản lý như hiện nay, trong quá trình công dân tham gia các giao dịch dân sự cũng như giao dịch, giải quyết công việc với các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau đều phải mang theo và xuất trình nhiều loại giấy tờ cá nhân, không thể sử dụng một loại giấy tờ để chứng minh nhân thân của mình.

     Với những vấn đề trên, đã tạo nhiều phiền hà cho người dân trong giải quyết công việc nói chung và trong giải quyết các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước nói riêng, nhất là các trường hợp công dân không có sự thống nhất thông tin giữa các loại giấy tờ cá nhân (do trong quá trình kê khai làm các giấy tờ trước đây có sự sai sót) và trong hồ sơ quản lý của cơ quan nhà nước, dẫn đến phải xin xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc phải làm thủ tục cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan trước rồi mới có căn cứ để giải quyết công việc hoặc thủ tục hành chính mà công dân đang cần thực hiện. Khiến cho người dân phải đi lại nhiều lần, phải đến nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau để giải quyết và phải kê khai nhiều lần các thông tin cá nhân.

     Bên cạnh đó với nhiều loại giấy tờ cá nhân khác nhau, người dân phải quản lý, bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan khác nhau, trong nhiều trường hợp để mất, thất lạc gây rất nhiều phiền toái vì giấy tờ này là căn cứ để được cấp giấy tờ khác. Đặc biệt nhất là sổ hộ khẩu, mỗi hộ dân cư có một sổ hộ khẩu riêng và thường do chủ hộ quản lý, nên trong nhiều trường hợp trong thực tế có tình trạng người dân cần phải có sự đồng lòng của chủ hộ thì mới giải quyết được công việc của cá nhân khi cần đến sổ hộ khẩu.

     Về phía Nhà nước, thì gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (mở rộng cơ sở dữ liệu) và lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau. Với việc chia cắt quản lý thông tin như hiện nay, mỗi ngành, lĩnh vực chỉ quản lý trong phạm vi của mình, khi cần thông tin tổng thể về dân cư (nhất là trong các cuộc tổng điều tra dân số), Nhà nước phải đầu tư chi phí lớn vào các cuộc tổng điều tra rất tốn kém và số liệu cũng không hoàn toàn chính xác.

     Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, khắc phục được các hạn chế, bất cập nêu trên. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời sẽ góp phần đảm bảo đơn giản hóa giấy tờ công dân trong thực hiện thủ tục hành chính, tiến tới bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu và một số giấy tờ cá nhân khác thay bằng số định danh cá nhân, thẻ Căn cước công dân.

     Để đảm bảo thông tin dân cư trong Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư được chính xác, đảm bảo mục đích đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt nhất là trách nhiệm của mỗi người dân. Trước hết vì quyền và nghĩa vụ của công dân trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đây là một dịp để công dân thống nhất toàn bộ thông tin cơ bản của cá nhân trong cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, ban, ngành khác nhau, là tiền đề trong giao dịch và giải quyết các công việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sau này.

     Vì vậy đòi hỏi mỗi công dân phải ủng hộ lực lượng Công an trong thu thập thông tin dân cư, kê khai chính xác các thông tin vào phiếu thu thập thông tin dân cư, đảm bảo có sự thống nhất với các giấy tờ cá nhân khác (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm, giấy phép lái xe,...), trong trường hợp không có sự thống nhất phải liên hệ cơ quan có thẩm quyền xác định chính xác các thông tin cá nhân, rồi mới khai vào phiếu thu thập thông tin dân cư./.

Nguyễn Hiếu - Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp