Thứ năm, 28/03/2024
(Thứ năm, 28/06/2018, 10:06 am GMT+7)
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tại Hội thảo “Tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy trong tình hình mới” do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức ngày 15⁄6⁄2018, tại Hà Nội nhằm hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26⁄6).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, kiểm soát ma túy và đã mang lại kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng tinh vi và khó kiểm soát hơn.

Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy, ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới. Điều đó đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đoàn thể phải có hành động thiết thực, đặc biệt là vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc góp phần tuyên truyền cảnh báo hiểm họa ma túy và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội thảo

Năm 2018, với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” một lần nữa khẳng định mạnh mẽ sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đến thế hệ trẻ của đất nước trong chiến lược phát triển con người Việt Nam. Việc lựa chọn nội dung “Tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy trong tình hình mới”nhân ngày báo chí có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của ma túy; đồng thời đề xuất các biện pháp tuyên truyền về phòng ngừa từ xa cho thanh thiếu niên; chia sẻ các mô hình, hoạt động hiệu quả trong công tác tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, đến cuối năm 2017, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội, 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tiếp tục gia tăng ở các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60-70% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS có nơi lên đến 70-85% trong tổng số người nghiện.

“Trong số thanh niên cai nghiện, điều trị thành công, có người đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp, đội trưởng đội tình nguyện, trưởng các nhóm cộng đồng... Trong số những người đã cai nghiện thành công, một số người đã tham gia những hoạt động tâm huyết, thiết thực giúp đỡ người cai nghiện khác”, Thứ trưởng thông tin thêm.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2018, các tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Thực hiện chuyển đổi các cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ, các địa phương đã sắp xếp, quy định hoạch, chuyển đổi cơ sở cai nghiện bắt buộc thành cơ sở điều trị tự nguyện, cơ sở đa chức năng. Đến tháng 5/2018, cả nước còn 120 cơ sở cai nghiện ma túy (trong đó: 105 cơ sở công lập và 15 cơ sở dân lập), giảm 25 cơ sở, với 34.620 học viên đang thực hiện điều trị cai nghiện. Trong 6 tháng đầu năm 2018, 6.438 người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, trong đó: cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 3.230 học viên, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập là 1.200 học viên, cai nghiện tại cơ sở tư nhân là 610 lượt học viên; quản lý tại cơ sở xã hội 1.398 học viên (trung bình quản lý từ 15-30 ngày).

Bên cạnh đó, hiện cũng có 28 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với số người được cai nghiện là 1.834 người. Còn tại các cơ sở quản lý sau cai hiện cũng đang quản lý 412 đối tượng và tại nơi cư trú hiện đang quản lý 22.937 người, tăng 2.230 người so với năm 2017. Hiện có 52.996 người được điều trị nghiện các dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone, trong đó, ngành LĐ-TBXH điều trị cho 3.240 người.

TS. Nicole Lee Giáo sư thỉnh giảng, Viện nghiên cứu quốc gia về ma túy và rượu đến từ Australia phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ về giải pháp can thiệp đối với người nghiện ma túy tổng hợp, TS. Nicole Lee Giáo sư thỉnh giảng, Viện nghiên cứu quốc gia về ma túy và rượu, đến từ Australia cho rằng: Đối với những người sử dụng các chất kích thích tổng hợp (hay còn gọi là ma túy đá) nhưng chưa lệ thuộc thì sẽ chưa có các rối loạn tâm thần và rất cần thiết phải có những biện pháp can thiệp sớm để họ không chuyển sang giai đoạn sử dụng thường xuyên và lệ thuộc.

Cùng quan điểm, bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng kiến cộng đồng (SCDI) trình bày kết quả bước đầu của mô hình Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.

Bs. Khuất Thị Hải Oanh trình bày mô hình Điểm tư vấn cộng đồng

Trao đổi ý kiến với các đại biểu về tình hình điều trị, cai nghiện, Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập chia sẻ, hiện nay công tác điều trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Một số nơi, cấp ủy, địa phương vẫn có quan điểm cần phải đưa hết người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chưa thống nhất thật sự về quan điểm đối với người nghiện. Hiện, các Cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi; số người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng giảm dần, do người nghiện và gia đình họ không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác tổ chức cai; cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho cho cai nghiện tại cộng đồng để tổ chức các điểm tư vấn, điều trị cắt cơn, điều trị Methadone; cán bộ Tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, công tác quản lý sau cai theo Luật Phòng, chống ma túy chủ yếu là quản lý hành chính, chưa có các biện pháp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người nghiện trước khi về cộng đồng. Thực tế, việc kéo dài thêm 2 năm quản lý sau cai trong Cơ sở chỉ càng làm tăng thêm khó khăn, rào cản cho người nghiện trở về cộng đồng. Còn quản lý sau cai tại nơi cư trú thì thực tế rất khó và không quản lý được, không có nhân sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với người sau cai nghiện ở cộng đồng. Ngoài ra, việc nhân rộng các bài thuốc điều trị, cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí mua thuốc còn cao hơn các loại thuốc khác, trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH chia sẻ kết quả và khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy

Để khắc phục những khó khăn trên, từ nay đến cuối năm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan và địa phương đề xuất nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính, đối với những vấn đề liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma túy; hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tăng cường quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy đến năm 2025; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực để thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy; tiếp tục chỉ đạo các địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, triển khai đồng bộ việc cập nhật dữ liệu về phòng, chống tệ nạn xã hội./.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp