Thứ năm, 28/03/2024
(Thứ sáu, 09/03/2018, 09:31 am GMT+7)

             Ngày 11-3 tới, trên quê hương Bắc Giang sẽ khánh thành một công trình mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng, đó là Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân (CAND) ở thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam (Tân Yên). Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, nhắc nhở các thế hệ công an luôn giữ trong tim lời dạy của Người.


Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh thăm Nhà truyền thống tại Khu lưu niệm.

Công trình của sự tri ân

Đối với người chiến sĩ công an cách mạng, 6 điều Bác Hồ dạy ai cũng thuộc lòng như ca dao. Những nội dung ngắn gọn, súc tích trong thư đã khái quát toàn diện hình ảnh người công an cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vinh dự, tự hào đối với các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Giang, chùa Tứ Giáp ở thôn Chùa Nguộn từng là trụ sở làm việc, đại bản doanh của Công an khu XII (gồm 6 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hải Ninh, Hòn Gai, Quảng Yên), nơi đây vào ngày 11-3-1948, đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII nhận được bức thư của Bác Hồ nêu 6 điều về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Năm 2013, nhân kỷ niệm 65 năm CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, Đảng ủy Công an T.Ư và lãnh đạo Bộ Công an có chủ trương đầu tư xây dựng tại khu vực chùa một Khu lưu niệm để làm nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng. Ngày 15 - 8 - 2017, công trình chính thức được khởi công trên diện tích khoảng 3 ha, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ CAND.

Kỹ sư Tô Văn Chí, Công ty cổ phần đầu tư 379, Chỉ huy trưởng thực hiện công trình cho hay: “Vinh dự được thi công công trình này, chúng tôi càng nhận thức được trách nhiệm cao trong công việc. Mục tiêu đặt ra là trong mấy tháng phải kịp hoàn thành trước ngày 11-3-2018 nên đơn vị phải chạy đua với thời gian, vừa bảo đảm tiến độ nhưng quan trọng nhất là chất lượng công trình. Những tình cảm của Bác như tiếp thêm cho chúng tôi sức khỏe và động lực để đến hôm nay, công trình đã về đích, sẵn sàng cho Lễ khánh thành”.

Đến Khu lưu niệm, chúng tôi ấn tượng với nhiều hạng mục. Điểm nhấn đặc sắc nhất là Tượng đài Bác Hồ cao 7 m ánh lên màu đồng đỏ. Bác ngồi đó, khoan thai trong bộ quần áo kaki quen thuộc, giản dị mà rất đỗi thân thương khiến ai nấy đều xúc động. Phía sau là bức phù điêu chạm khắc tinh xảo làm bằng chất liệu đá xanh dài 50 m, cao 13,5 m; trên bức phù điêu khắc họa hình ảnh thể hiện hoàn cảnh ra đời của bức thư và 9 ngọn núi cách điệu, tạo sự liên tưởng về một căn cứ địa cách mạng Việt Bắc hùng vĩ, các nội dung được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc. Trước tượng Bác là hồ sen. Ở hạng mục cây xanh, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu việc thiết kế, quy hoạch phải tinh tế gắn với Khu ATK Việt Bắc, với truyền thống Việt Nam. Do đó hạng mục này mang tính thẩm mỹ rất cao: 79 cây sao đen tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người; 54 cây tùng tháp đứng hiên ngang tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sinh sống; cọ, chè đã bén rễ, xanh cây; hai cây đa đưa về gợi nhắc vùng ATK lịch sử; cây phách, bách tán, nguyệt quế, hàng xoài và vườn cây ăn quả của ba miền Bắc, Trung, Nam cũng được trồng. Bên cạnh đó, Khu lưu niệm còn có sân hành lễ, nhà truyền thống, nhà quản lý, đón tiếp, nhà bảo vệ.

Toàn cảnh Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND tại xã Nhã Nam (Tân Yên).

Toàn cảnh Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND tại xã Nhã Nam (Tân Yên).

Dấu ấn tình dân

Địa chỉ đỏ, giáo dục, truyền thống

Khu Lưu niệm sẽ là điểm đến lý tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến tham quan, sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống nhằm xây dựng lực lượng công an theo ý nguyện của Bác. Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo quản, gìn giữ Khu lưu niệm”.


Đại tá Phạm Mạnh Thường, Giám đốc Công an tỉnh.

Để nhanh chóng hoàn thành khối lượng rất lớn công việc trong một thời gian ngắn như vậy là do có sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Ban Bí thư T.Ư Đảng, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND, UBND tỉnh Bắc Giang và sự đồng lòng ủng hộ nhiệt tình của người dân. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Công trình được tiến hành nhanh, trong thời gian gấp, chúng tôi đã chỉ đạo huyện Tân Yên tập trung cao giải phóng mặt bằng. Người dân ở đây từ xưa đã có truyền thống cách mạng, đã bảo vệ Công an khu XII và nay lại sẵn sàng ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước”. Gia đình ông Đỗ Văn Nguyên có hơn 1.000 m2 đất thổ cư và đất vườn gắn với nhiều hạng mục công trình nhà ở của cha ông để lại cũng sẵn lòng để Nhà nước thu hồi xây dựng công trình. Còn ông Giáp Anh Dũng vui vẻ bàn giao đất cho nhà nước. “Các anh lấy đến đâu chúng tôi vui lòng theo đến đấy, lấy bao nhiêu cũng được”, ông Dũng nói. Đến hôm nay, khi hoàn thiện, ông không nghĩ rằng công trình lại hoành tráng như thế. Có Khu lưu niệm, người dân trong làng, ngoài xã đều tự hào, ai cũng vui mừng và có ý thức bảo vệ. Ngoài 5 hộ dân có đất thổ cư gắn với công trình nhà ở, còn có 104 hộ dân có đất nông nghiệp với 26 nghìn m2 trong diện phải thu hồi đều đồng thuận nên công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Trong một lần đến kiểm tra tiến độ thi công, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình, vừa là nơi ghi dấu đồng chí Giám đốc Công an Khu XII tiếp nhận lá thư của Bác Hồ, vừa là nơi ghi nhận, tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà Bác dành cho lực lượng nên các đơn vị liên quan phải làm bằng cả trái tim. Chính vì vậy, các đồng chí lãnh đạo Bộ, Tổng cục Chính trị CAND, Ban Quản lý dự án thường xuyên có mặt tại công trường để kiểm tra tiến độ, lắng nghe các ý kiến đề xuất và chỉ đạo kịp thời. Các thành viên Ban Quản lý dự án, kiến trúc sư, kỹ sư… lăn lộn ngày đêm bám sát từng hạng mục, vì vậy bảo đảm tiến độ công trình.

Bày tỏ niềm vinh dự, tự hào của thế hệ trẻ, Thiếu tá Phùng Thế Sơn, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh nhắc lại với chúng tôi lời dạy của Bác. Theo sát công trình từ những ngày đầu khởi công, tuổi trẻ Công an tỉnh đã ngày đêm ở cơ sở, phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng; thực hiện “3 cùng” với nhân dân, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết đồng thời tổ chức được nhiều hoạt động tình nguyện ở đây.

Minh Thúy - Thu Phong

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp