Thứ ba, 23/04/2024
(Thứ sáu, 31/12/2021, 06:10 pm GMT+7)

        Từ 01/01/2022, Luật  Phòng, chống ma tuý năm 2021 (gồm 8 chương, 55 điều) sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, những bất cập liên quan đến quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý; về công tác cai nghiện; một số quy định của Luật Phòng, chống ma tuý không thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác… đã được khắc phục, bổ sung.

        Nâng cao vai trò của gia đình trong phòng, chống ma tuý

        Tình hình sử dụng trái phép chất ma tuý ngày càng phức tạp, đặc biệt là sử dụng ma tuý tổng hợp. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép ma tuý tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma tuý tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự, không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng, có những vụ đối tượng giết chính người thân trong gia đình mình. Do đó, cần phải quy định biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý để có biện pháp phòng ngừa họ tái sử dụng chất ma tuý, theo dõi, giám sát để kịp thời ngăn ngừa họ vi phạm pháp luật, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác và chính bản thân họ, không để họ bước chân vào con đường phạm tội.

        Vì thế, tại chương IV Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 đã quy định rất rõ về việc xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể; nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma tuý; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý; lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma tuý. Đây là chương được quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm tốt công tác này sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế đầu vào người nghiện cũng như các loại tội phạm.

        Thông tin từ Tiểu ban lý luận về pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng Luật có ý kiến đề nghị khôi phục lại Điều 199, Bộ luật hình sự năm 1999, tức là xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, việc này thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống ma tuý chỉ quy định việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý. Nội dung cụ thể tại Điều 23 của Luật phòng, chống ma tuý. Theo đó, quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma tuý không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma tuý, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thời hạn quản lý là 01 năm kể từ ngày có quyết định quản lý. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

        Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Để xác định người sử dụng trái phép chất ma tuý cần phải có kết quả xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể có kết quả dương tính.  Kết quả xét nghiệm dương tính được gửi ngay đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người có kết quả xét nghiệm dương tính cư trú, để phục vụ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý. Luật cũng nêu rõ, trách nhiệm gia đình người sử dụng trái trái phép chất ma tuý (Khoản 1 Điều 25): Quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma tuý; Ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý; Cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý của người sử dụng trái phép chất ma tuý cho công an cấp xã nơi người đó cư trú; Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma tuý có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma tuý đi xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể.

        Bên cạnh đó, công an xã có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma tuý cư trú tai địa phương. Khi người sử dụng trái phép chất ma tuý thay đổi nơi cư trú thì công an cấp xã nơi chuyển đi có trách nhiệm thông báo cho công an cấp xã nơi chuyển đến trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người đó chuyển khỏi địa phương để đưa vào danh sách và tiếp tục quản lý.

        Công tác cai nghiện ma tuý sẽ được quy định sát sao hơn

        Tại chương V - Cai nghiện ma tuý sẽ có 17 điều nội dung về Cai nghiện ma tuý đã được sửa đổi toàn diện để khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn.

        Cụ thể, các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện gồm người sử dụng trái phép chất ma tuý đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý; Người sử dụng trái phép chất ma tuý không có nơi cư trú ổn định; người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý; Người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma tuý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý; Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma tuý. Biện pháp cai nghiện ma tuý (điều 28) gồm cai nghiện ma tuý tự nguyện và cai nghiện ma tuý bắt buộc.

        Cai nghiện ma tuý tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma tuý. Cai nghiện ma tuý bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma tuý công lập. Không quy định cai nghiện ma tuý bắt buôc tại cộng đồng. Cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Điều 30) được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã.

        Thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ đủ 6 tháng đến 12 tháng, Nhà nước có hỗ trợ kinh phí với những trường hợp đủ điều kiện. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma tuý thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch UBND cấp huyện. Khi tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện ma tuý sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành dịch vụ phải thông báo cho UBND cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

        Để tránh trường hợp lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế để không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Luật đã quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên. Để bảo vệ tốt nhất các quyền của trẻ em nên Luật đã có 1 điều  riêng quy đinh cụ thể về việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với  người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 34).

(Báo CAND)
https://cand.com.vn/Thong-tin-phap-luat/nhieu-diem-moi-trong-luat-phong-chong-ma-tuy-nam-2021-i638464/

 

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp