Thứ năm, 18/04/2024
(Thứ tư, 04/12/2019, 01:36 pm GMT+7)

 

(BGĐT) - Do đặc thù là khoảng thời gian đón hai cái tết (Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán) cho nên nhiều vấn đề “nóng” phát sinh vào dịp cuối năm. Cần làm gì để giải quyết những vấn đề này?

An toàn giao thông là vấn đề “nóng” nhất và diễn biến phức tạp dịp cuối năm. Đây là dịp các công trường, nhà máy thường tăng ca tăng kíp để bảo đảm tiến độ; giao thương sôi động hơn để cung cấp hàng hóa cho thị trường tiêu dùng tăng cao; người người đi lại thăm thân, về quê ăn Tết… 

Đường sá quá tải, phương tiện lưu thông quá tải, người quá sức, trong khi đó lại là mùa cưới, liên hoan tổng kết năm, người điều khiển phương tiện giao thông dễ lạm dụng rượu, bia… nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.

Áp lực về tiến độ sản xuất ở các công trình, nhà máy trong khi cả người sử dụng lao động và người lao động ở một số nơi còn lơ là về bảo hộ lao động nên tai nạn lao động cũng gia tăng. Một số công nhân bị thiệt mạng trên dây chuyền sản xuất và thợ xây bị ngã giàn giáo trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây là lời cảnh báo về vấn đề này.

Nhu cầu hàng tiêu dùng tăng đột biến trong dịp Tết đã tạo mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và gian lận thương mại hoạt động để thu lời bất chính. Đáng chú ý là thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được đưa vào lưu thông, số vụ thu giữ loại hàng hóa này của lực lượng chức năng tăng mạnh dịp cuối năm.

Tình hình an ninh trật tự, nhất là ở khu vực nông thôn, địa bàn gần các khu công nghiệp cũng đáng lo ngại. Số vụ trộm cắp, cờ bạc, cướp giật gia tăng; hoạt động tín dụng đen, buôn bán, sử dụng ma túy và các tệ nạn khác chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”.

Các kho chứa hàng hóa đầy lên để dự trữ bán ra vào dịp Tết nhưng việc phòng cháy lại chưa được quan tâm đúng mức; ở các nhà dân mặc dù được cảnh báo về an toàn điện, gas, thắp hương thờ cúng nhưng nhiều gia đình vẫn chủ quan dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Để mỗi người, mỗi nhà được đón Tết trong không khí sum họp, vui tươi, an toàn, lành mạnh thì trước hết các ngành, đoàn thể và địa phương cần khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với công tác phòng, chống tội phạm, nhất là những ngày giáp Tết. 

Trong đó, tập trung tuyên truyền biện pháp hạn chế tai nạn xe ôtô, xe gắn máy, xe khách... nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông.

Đây là lúc các lực lượng chức năng cần mở đợt cao điểm để tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và trấn áp mạnh các loại tội phạm. Tăng cường lực lượng đến những điểm "nóng", địa bàn phức tạp. Sự phối hợp liên ngành cần bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả hơn để mạnh tay xử lý các đối tượng cố tình vi phạm.

Mỗi người, mỗi nhà cần nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý thức phòng tránh những vấn đề "nóng" phát sinh dịp cuối năm là hành động thiết thực chung tay xây dựng xã hội tiến bộ, cùng đón xuân, vui Tết an lành, hạnh phúc. 

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp