Thứ bảy, 20/04/2024
(Thứ năm, 14/04/2022, 05:42 pm GMT+7)

1. Về phạm vi, đối tượng áp dụng

So với TCVN 5738:2001 phạm vi áp dụng của TCVN 5738:2021 cơ bản không thay đổi. Tiêu chuẩn TCVN 5738:2021 quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống báo cháy tự động cho nhà, công trình và không quy định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống báo cháy tự động cho nhà và công trình được thiết kế theo quy định đặc biệt.

2. Bổ sung một số định nghĩa đầu báo cháy

- Đầu báo cháy nhiệt kiểu dây/ cáp báo cháy nhiệt: đầu báo cháy nhiệt có cấu tạo dạng dây hoặc ống nhỏ được sử dụng báo cháy trên toàn bộ chiều dài tuyến dây hoặc ống.

- Đầu báo cháy khói kiểu hút: tự động lấy mẫu thông qua các miệng hút lấy mẫu không khí trên hệ thống đường ống và đưa mẫu không khí (hút) từ khu vực bảo vệ đến thiết bị để phân tích và phát hiện dấu hiệu cháy (khói, thay đổi thành phần hóa học của môi trường). Mỗi miệng hút tương đương như một đầu báo cháy khói.

- Đầu báo cháy không dây là đầu báo cháy có thể hoạt động độc lập hoặc sử dụng sóng vô tuyến để truyền và nhận tín hiệu. Tự động nhạy cảm với các hiện tượng cháy.

- Báo động bằng âm thanh, ánh sáng trong các khu vực để cảnh báo cháy.

3. Thiết kế hệ thống

3.1. Đối tượng dự án công trình thuộc diện trang bị hệ thống báo cháy tự động theo quy định tại Điều 6 TCVN 3890:2009, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống báo cháy tự động theo quy định của TCVN 7568-14. Đối với gara ô tô theo quy định tại QCVN13:2018/BXD, trường hợp gara bố trí trong nhà khác, yêu cầu trang bị hệ thống báo cháy tự động phải bảo đảm theo quy định này và các quy định khác đối với nhà và công trình.

3.2. Yêu cầu chung về hệ thống theo quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật TCVN 5738-2021, lưu ý hệ thống báo cháy tự động phải báo rõ địa chỉ, vùng kiểm soát của các khu vực, căn hộ.

3.3. Yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống, kiểm tra, xem xét phương án thiết kế, bố trí về trang bị hệ thống, yêu cầu kỹ thuật của hệ thống gồm: Trung tâm báo cháy, đầu báo cháy tự động, hộp nút ấn báo cháy, các yếu tố liên kết, nguồn điện. Tuỳ theo yêu cầu hệ thống báo cháy còn có các bộ phận khác như thiết bị truyền tín hiệu báo cháy, bộ phận kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy tự động ... Lưu ý một số nội dung sau:

a. Đầu báo cháy phải lắp đặt tại các khu vực không có người ở mà có nguy hiểm cháy, trong các khu vực có người làm việc, có nguy hiểm cháy, khu vực công cộng, trong các phòng của căn hộ và hành lang tầng, kể cả sảnh thang máy; trong các kênh, giếng kỹ thuật điện, thông tin liên lạc và giếng kỹ thuật khác có nguy hiểm cháy.

b. Hệ thống phải có chức năng điều khiển liên động các hệ thống chữa cháy tự động và các hệ thống khác có liên quan như: hệ thống chữa cháy tự động bằng khí và nước, hệ thống màn nước ngăn cháy, hệ thống thông gió, điều áp, thang máy, loa truyền thanh báo cháy và chỉ dẫn thoát nạn, van ngăn lửa, cửa sập chống cháy.... đối với các công trình được trang bị các hệ thống này.

c. Các yêu cầu kỹ thuật đối với đầu báo cháy và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan:

- Lựa chọn đầu báo cháy phải phù hợp với tính chất sử dụng và mức độ nguy hiểm cháy của các gian phòng, khu vực tham khảo tại Phụ lục A TCVN 5738:2021.

- Hệ thống báo cháy tự động dùng để điều khiển hệ thống chữa cháy tự động thì mỗi điểm trong khu vực bảo vệ phải được kiểm soát bằng 2 đầu báo cháy tự động thuộc 2 kênh khác nhau hoặc 02 địa chỉ khác nhau theo Điều 6.3.

- Trường hợp nhà có trần treo giữa các lớp trần có lắp đặt các hệ thống kỹ thuật, cáp điện, cáp tín hiệu thì phải lắp bổ sung đầu báo cháy ở trần phía trên trần treo theo Điều 6.3.

- Các đầu báo cháy phải lắp lắp trên trần nhà hoặc mái nhà, các đầu báo cháy phải cách trần nhà không quá 0,3m tính cả kích thước của đầu báo cháy tự động và lưu ý xác định nhà mái dốc hay nhà mái chữ A theo Điều 6.4. Trong phạm vi vùng không khí chết (0,1m tính từ đỉnh mái) không được bố trí đầu báo cháy.

- Trường hợp lắp đặt đầu báo cháy trong khu vực chất cháy, thiết bị công nghệ, kết cấu cách trần 0,6m thì phải lắp đặt bổ sung đầu báo cháy phía trên mép ngoài thiết bị, chất cháy và vẫn tính diện tích đảm bảo theo từng loại đầu báo cháy theo Điều 6.6.
- Đối với khu vực trần hở hoặc trần dạng nan hở được phép thiết kế và lắp đặt đầu báo cháy phía trên trần hở khi đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Khoảng hở có cấu trúc tuần hoàn và diện tích của nó vượt quá 40 % bề mặt;

+ Kích thước tối thiểu của mỗi khoảng hở trong bất kỳ phần nào không nhỏ hơn 10 mm;

+ Độ dầy của tấm trần treo không lớn hơn ba lần kích thước tối thiểu của lỗ hở.

Nếu ít nhất một trong những điều kiện trên không được đáp ứng, các đầu báo cháy phải được lắp đặt trong vị trí chính trên trần treo, trong trường hợp cần thiết, thì phải lắp đặt bổ sung đầu báo cháy bảo vệ khu vực trên trần treo. Khi sử dụng các đầu báo cháy lửa thì chúng phải lắp đặt cả phía trên và phía dưới trần dạng hở theo quy định tại Điều 6.7.

- Hệ thống báo cháy sử dụng theo kênh, diện tích bảo vệ của mỗi kênh... phải phù hợp theo Điều 6.8 và Điều 6.9.

- Khu vực lắp đặt nhiều loại đầu báo cháy khác nhau (khói, nhiệt) phải đảm bảo mỗi khu vực đó được kiểm soát bởi ít nhất 01 đầu báo cháy. Khoảng cách giữa các đầu báo cháy và từ đầu báo cháy đến tường phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm cháy, nổ của khu vực và đặc tính kỹ thuật của đầu báo cháy (Ví dụ khoảng cách giữa đầu báo cháy khói, nhiệt bố trí hỗn hợp được xác định bằng ½ tổng khoảng cách cho phép của 02 loại đầu báo cháy nêu trên; khoảng cách từ đầu báo cháy đến tường xác định theo loại đầu báo cháy đó) (Điều 6.11). Các khu vực có nguy hiểm nổ phải lắp đặt các đầu báo cháy chống nổ theo Điều 6.12.

- Hệ thống báo cháy tự động loại địa chỉ ngoài việc lắp đặt các đầu báo cháy địa chỉ bảo vệ các khu vực, cho phép lắp đặt đầu báo cháy thường để bảo vệ cho các khu vực có không gian lớn, tuy nhiên mỗi khu vực này đều được kết nối với tủ báo cháy qua 01 modun địa chỉ để kiểm soát như 01 địa chỉ.

- Bố trí đầu báo cháy khói kiểu điểm theo quy định Điều 6.13, đầu báo cháy khói tia chiếu theo quy định Điều 6.14, đầu báo cháy nhiệt kiểm điểm theo quy định Điều 6.15, đầu báo cháy lửa theo quy định Điều 6.16, đầu báo cháy khói kiểu hút lắp đặt quy định theo Điều 6.17, đầu báo cháy nhiệt kiểu dây theo Điều 6.18, đầu báo cháy không dây quy định theo Điều 6.19. Lưu ý khoảng cách đầu báo cháy đến mép ngoài của miệng thổi của các hệ thống thông gió hoặc hệ thống điều hoàn không khí không được nhỏ hơn 1 m.

- Bố trí nút ấn báo cháy theo Điều 7, trong đó xem xét về chiều cao lắp đặt, vị trí lắp đặt và khoảng cách giữa các nút ấn báo cháy tham khảo tại Phụ lục B. Trong đó lưu ý khoảng cách giữa các nút ấn không quá 45 m và khoảng cách từ nút ấn báo cháy đến lối ra của mọi gian phòng không quá 30 m.

- Bố trí trung tâm báo cháy theo Điều 5, cần xem xét đến tính năng kỹ thuật, khu vực lắp đặt, nguồn điện dự phòng, tiếp địa của trung tâm báo cháy theo Điều 10.

- Yêu cầu đối với dây, cáp tín hiệu báo cháy, dây nguồn phù hợp theo quy định tại Điều 8, cần xem xét về yêu cầu sử dụng loại dây, tiết diện dây, tính chịu lửa của dây và lắp đặt dây. Các dây, cáp điện, tín hiệu sử dụng phải là loại có vỏ vỏ bọc chống cháy hoặc đặt trong ống lồng chống cháy.

- Yêu cầu thiết bị báo cháy bằng âm thanh và ánh sáng cho từng khu vực như:

+ Các thiết bị báo cháy bằng âm thanh phải đảm bảo các yêu cầu sau: Tín hiệu báo động phải phân bố đồng thời trong khoang cháy / nhà và công trình. Các tín hiệu báo động, nghe thấy rõ ở tất cả các địa điểm trong khoang cháy/ nhà và công trình. Mức cường độ âm ở tất cả các vị trí phải đảm bảo lớn hơn mức áp suất âm thanh của môi trường xung quanh ít nhất 10 dBA và không lớn hơn 105 dBA. Tín hiệu báo động bằng âm thanh đối với các khu vực ngủ phải lớn hơn mức áp suất âm thanh của môi trường xung quanh ít nhất 15 dBA (với điều kiện các cửa ra vào đều đóng).

+ Vị trí lắp đặt thiết bị cảnh báo bằng ánh sáng: Được lắp đặt trên hành lang, lối ra thoát nạn; Nơi người khiếm thính thường ở; Nơi có tiếng ồn xung quanh vượt quá 95 dBA; Khu vực yêu cầu hạn chế về âm thanh (ví dụ khu vực phòng mổ trong bệnh viện).

 

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp