Chủ nhật, 15/06/2025
(Thứ ba, 29/04/2025, 06:48 pm GMT+7)

Trong khi người dân cả nước đang hướng đến các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với niềm tự hào dân tộc và tình yêu nước nồng nàn thì các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị, cá biệt có cả người làm trong lĩnh vực truyền thông, hoạt động nghệ thuật lại bày tỏ sự bức xúc vô lý về sự kiện này, dường như họ đã quên mất rằng mình đang sống trên nền hòa bình mà cha ông đã trả bằng xương máu.

Những phát ngôn vô cảm “lạc điệu, lạc lõng”

Giữa không khí sôi động hướng đến đại lễ 30/4, mốc son 50 năm đất nước thống nhất, xuất hiện 2 trường hợp, một người làm việc trong ngành truyền thông, một người từng hoạt động nghệ thuật bất ngờ trở thành tâm điểm chỉ trích dữ dội vì những phát ngôn được cho là phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.

Cụ thể, trên trang cá nhân, MC Bích Hồng, người từng dẫn chương trình truyền hình đăng tải dòng trạng thái phàn nàn việc kẹt xe, liên quan việc luyện tập diễu binh, kèm theo lời lẽ tiêu cực: “Xin phép không vui, không háo hức, miễn tự hào ạ. Rất phiền”.

Những bình luận trái chiều về dòng trạng thái của MC Bích Hồng trên mạng xã hội

Sau đó không lâu, người mẫu kiêm ca sĩ Lê Trung Cương cũng khiến dư luận “dậy sóng” với dòng trạng thái: “Mong đại lễ này qua mau giúp. Bắt đầu thấy mệt mỏi với kẹt xe, chặn đường...”.

Chia sẻ của MC Bích Hồng và Lê Trung Cương đã được các thế lực thù địch, đặc biệt trang facebook “Việt Tân” tái diễn điệp khúc xuyên tạc, phủ nhận những thắng lợi vĩ đại của Nhân dân Việt Nam. Thậm chí khi cư dân mạng phản ứng gay gắt với phát ngôn của 2 nghệ sĩ thì chúng lại sử dụng giọng điệu hết sức “dân túy”: “Yêu hay ghét, tự hào hay không tự hào đó là cảm xúc của mỗi người, nói lên cảm xúc thật của bản thân là quyền tự do ngôn luận, không ai có quyền tước đoạt đi cái quyền đó”.

Sự thật là “cái giá của hòa bình hôm nay là hàng triệu người đã ngã xuống

Những phát ngôn của 2 trường hợp cá biệt trên đã phản ánh ở đâu đó đang dần lãng quên với lịch sử dân tộc của 1 bộ phận người trẻ. Đã không ít người trẻ bị tiêm nhiễm bởi những thủ đoạn bôi lem lịch sử, khi các thế lực thù địch cho rằng chiến thắng 30/4/1975 là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc, “không có kẻ thua, người thắng”, đòi “định danh lại ngày 30/4 cho phù hợp” vì không chấp nhận 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhưng sự thật là, chiến thắng 30/4 là chiến thắng của dân tộc ta trước đế quốc Mỹ, hoàn toàn không phải là một cuộc nội chiến.

Trong cuộc chiến này, người Mỹ đã huy động tổng lực, tối đa nhân lực và vật lực vào cuộc chiến: 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân; số quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam tại lúc cao điểm nhất đã lên đến hơn nửa triệu người; ngoài ra trên 72 nghìn quân các nước đồng minh Mỹ tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Những con số trên đâu phải là cuộc chiến của những người Việt Nam với nhau. Thậm chí, chính Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đã từng thẳng thắng thừa nhận rằng: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ. Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu làm “kép nhất”, và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”.

Sự thật là, trong suốt 21 năm ròng rã, dân tộc ta đã đi qua cuộc trường chinh muôn vàn gian khổ, gánh chịu bao mất mát, hy sinh để giải phóng đất nước, thống nhất non sông; hàng triệu người con ưu tú vẫn đang tuổi thanh xuân đã ngã xuống, hàng vạn nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, một nửa diện tích rừng mưa của Việt Nam bị phá hủy bởi 75 triệu lít chất độc hóa học. Tổ quốc thân yêu đã hứng chịu 7,84 triệu tấn bom từ Máy bay Mỹ ném xuống, trở thành đất nước bị ném nhiều bom nhất trong lịch sử thế giới. Và khi kết thúc chiến tranh, gần 800.000 tấn bom mìn chưa phát nổ còn sót lại trong lòng đất vẫn tiếp tục làm hơn 42.000 người chết, 62.000 người bị thương…

Những đau thương mất mát vô cùng to lớn của hàng triệu người Việt Nam đã đổ xuống mới khiến cho “Mỹ cút, Ngụy nhào”, mới có hòa bình, thống nhất hôm nay. Vì vậy, không thể nào nói rằng chiến thắng 30/4 là cuộc nội chiến.

Vẫn tỏa sáng, trường tồn cùng lịch sử

Cũng cùng thời điểm xuất hiện những phát ngôn lạc lõng trên mạng xã hội kia là hình ảnh cụ ông Trần Văn Thanh 77 tuổi, nguyên Cựu chiến binh chiến trường B5, Bắc Quảng Trị trong bộ quân phục chỉnh tề, rong ruổi trên chiếc xe máy, phía sau là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, tự lái xe máy từ Nghệ An vào TP.HCM để dự lễ diễu binh 30/4, khiến nhiều người xúc động và khâm phục. Không hành lý cồng kềnh, chỉ vài bộ quần áo, một chiếc nồi, một chiếc võng, lặng lẽ vượt Trường Sơn như một lời hẹn với đồng đội đã nằm lại đâu đó giữa rừng sâu, như một lời chào với non sông ngày thống nhất, như một tráng ca tưởng niệm không lời. Đó thực sự không còn là hành trình của một cá nhân mà còn là biểu tượng của ý chí, của tình yêu đất nước không có tuổi tác.

Cụ ông Trần Văn Thanh 77 tuổi tự lái xe máy từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh xem diễu bình vì muốn khám phá từng mét vuông đất của Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà phát ngôn vô cảm “lạc điệu, lạc lõng” ấy đã thổi bùng bức xúc trong cộng đồng bởi vì nó đã chạm đến cảm xúc thiêng liêng của hàng triệu người dân đang hướng về quá khứ với niềm biết ơn và lòng tự hào thiêng liêng sâu sắc. Hàng nghìn bình luận phản hồi của người trẻ: “Bạn có mệt bằng những anh hùng liệt sĩ hy sinh tuổi thanh xuân? Có mệt bằng những chiến sĩ ngày đêm luyện tập dưới nắng để chuẩn bị cho lễ diễu binh trang nghiêm? Đừng vì cảm xúc ích kỷ cá nhân mà tự biến mình thành kẻ vô ơn” hay như bình luận: “Để kẹt xe như những ngày tháng 4 này thì rất rất nhiều người đã mãi mãi bị kẹt lại ở tuổi 20, vĩnh viễn không trở về nữa”.

38 khối lực lượng vũ trang Quân đội và Công an nhân dân tham gia buổi tổng hợp luyện đầu tiên tại đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025)

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm chiến thắng 30/4 không phải là một cuộc trình diễn phô trương lực lượng mà là dịp để tưởng nhớ những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Đó là biểu tượng của lòng yêu nước, của sự đoàn kết, và của một chặng đường mà dân tộc Việt Nam đã kiên cường đi qua, từ đau thương đến tự hào.

Chứng kiến cảnh hàng triệu người trên khắp mọi miền đất nước hân hoan đón chào đại lễ, hàng chục nghìn người dân từ các tỉnh thành khác nhau đổ dồn về thành phố Hồ Chí Minh, thức trắng đêm, ngồi đợi nhiều giờ đồng hồ trong tiết trời oi bức chỉ để được tận mắt chứng kiến hoạt động sơ duyệt diễu binh chào mừng đại lễ cũng đủ nói lên niềm tự hào mạnh mẽ như dòng chảy đang được tiếp nối, lan tỏa mà không nơi đâu có được, sẵn sàng “kẹt xe” để được hòa mình vào không khí tự hào của tinh thần dân tộc triệu người như một mà không hề thấy bị “làm phiền”.

Lê Thành Văn

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp