Ngày nay Internet, mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng nói chung và học sinh, thanh thiếu niên nói riêng. Nhiều tiện ích mạng xã hội cho phép giáo viên, học sinh kết nối, chia sẻ cùng nhau ngay cả khi không đến lớp; sử dụng để liên lạc, chia sẻ tài liệu, trao đổi học tập hay giúp nhau giải đáp vướng mắc, khó khăn; kết nối với những người có cùng sở thích, đam mê không giới hạn bởi phạm vi địa lý hoặc đáp ứng các nhu cầu giải trí, âm nhạc, hội họa…
Bên cạnh đó việc sử dụng Internet, mạng xã hội chưa đúng cách cũng mang đến những mặt trái, tiêu cực. Thời gian qua xuất hiện hiện tượng một số thanh thiếu niên, học sinh sử dụng mạng xã hội truy cập các nội dung độc hại như: đồi trụy, lô đề, cờ bạc…. đăng tải các nội dung xấu, bạo lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức… có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cá biệt có vụ việc xuất phát từ những dấu hiệu “bắt nạt học đường” như việc đặt, gọi biệt danh có tính chất miệt thị, xúc phạm giữa các học sinh với nhau dẫn đến những bức xúc, phản ứng tiêu cực, đăng tải các nội dung mạo danh, xúc phạm cá nhân, tổ chức trên không gian mạng, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục và tình hình ANTT. Hiện tượng này cần phải chấn chỉnh ngay và được cộng đồng lên án để ngăn ngừa hậu quả xấu cho xã hội.
Vấn đề cần đặc biệt quan tâm là hướng dẫn các em học sinh, thanh thiếu niên khai thác sử dụng Internet, mạng xã hội đúng cách, bổ ích, hạn chế những tiêu cực, độc hại. Muốn vậy cần sự quan tâm hơn nữa của Gia đình và Nhà trường trong việc quản lý, giáo dục:
Gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm giáo dục con em. Cần quan tâm tìm hiểu xem con nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè; quản lý, định hướng con em việc sử dụng Internet và mạng xã hội; cha mẹ hãy là bạn đồng hành với con cái, không nên tạo cho con cái tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, chơi bời, hưởng thụ; cũng không quá nghiêm khắc tạo tâm lý cấm đoán, tò mò; cần có thái độ phê phán, lên án những hành vi sai trái và cách sửa chữa, khắc phục khuyết điểm hoặc có biện pháp xử lý răn đe phù hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục, uốn nắn từ sớm những dấu hiệu, hành vi lệch lạc, không phù hợp.
Nhà trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp gia đình quan tâm, hiểu rõ về mỗi học sinh trong lớp để có biện pháp quản lý, giáo dục chung cũng như giáo dục cá biệt phù hợp đối với mỗi học sinh. Quan tâm nắm bắt tâm tư, tình cảm của mỗi học sinh, các vấn đề mà học sinh gặp phải trong đời sống cũng như trong môi trường giáo dục. Kịp thời phát hiện những vấn đề có dấu hiệu “bắt nạt học đường” như bạo lực, đe dọa, miệt thị xúc phạm lẫn nhau trong cách xưng hô, ứng xử giữa các học sinh…. Quan tâm giáo dục về những kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet, mạng xã hội; những điều bị cấm theo quy định của Luật An ninh mạng và các quy định pháp luật liên quan…. nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các em học sinh để khai thác, sử dụng hiệu quả Internet, mạng xã hội cũng như cần tránh những hành vi sai trái, giúp các em tránh xa cái sai, cái xấu, thu hút các em vào các phong trào, hoạt động thể thao, văn hóa… của trường lớp, tạo sân chơi giải trí lành mạnh. Cần chú trọng hơn nữa việc giảng dạy các môn học giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè, giúp đỡ gia đình; sử dụng Internet, mạng xã hội hiệu quả, bổ ích.
Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần thường xuyên quan tâm, giáo dục, định hướng học sinh, thanh thiếu niên trong việc khai thác, sử dụng Inernter, mạng xã hội an toàn, lành mạnh. Tuyên truyền và phổ biến về Bộ cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, ban hành (địa chỉ: https://khonggianmang.vn/uploads/Cam_nang_Bao_ve_tre_em_ tren_moi_truong_mang_2024_31fa1da23d.pdf). Chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo lực lượng chức năng nắm tình hình, hỗ trợ nhà trường, gia đình quản lý và giáo dục học sinh, nhất là học sinh cá biệt có dấu hiệu “lệch lạc”. Các doanh nghiệp, nhà mạng cần tăng cường các giải pháp để bảo vệ trẻ em, học sinh trên không gian mạng, chấp hành các quy định của pháp luật về An ninh mạng./.
Phòng ANM&PCTPSDCNC