Thứ bảy, 04/05/2024
(Chủ nhật, 21/04/2024, 12:53 pm GMT+7)

Bằng thủ đoạn mời gọi làm việc với những lời hứa hẹn “việc nhẹ - lương cao”, chế độ đãi ngộ hấp dẫn, nhiều người đã dính bẫy lừa đảo kéo theo nhiều hệ luỵ đau thương: bị lừa bán qua biên giới làm việc tại các sòng bạc, nhà hàng, bị tra tấn, đánh đập, hành hạ,... Nếu muốn trở về quê hương phải nộp hàng trăm triệu đồng tiền chuộc.

Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân,  nhiều đối tượng xấu đã đăng tải các tin, bài tuyển dụng lao động trên mạng xã hội hoặc trực tiếp gặp gỡ, rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh sang các nước Campuchia, Myanmar và Philippines để làm việc với những lời hứa hẹn về việc làm ổn định, lương cao (có thể lên tới hàng chục triệu đồng/tháng) kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thậm chí còn cho “ứng trước” tiền để lo chi phí xuất cảnh đã khiến rất nhiều lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy. Chúng triệt để thường sử dụng một số thủ đoạn như: (1) Lập các tài khoản đường dây môi giới với tên giả trên mạng internet; dùng “tiền” làm mồi nhử, thông qua “mạng lưới cò mồi” đến các địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa để tạo dựng mối quan hệ, dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó đưa vào các sòng bạc, nhà hàng thực hiện cưỡng bức lao động. (2) Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... tiếp cận, rủ rê, lôi kéo tài trợ kinh phí đi du lịch, làm thuê thu nhập cao... sau đó chúng lừa đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động. (3) Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, “ giữ tiền lương” đe doạ sẽ báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.

Sau khi chiếm được lòng tin của người lao động, các đối tượng đã sử dụng nhiều cách để đưa người lao động xuất cảnh hợp pháp và bất hợp pháp sang Campuchia, Myanmar và Philippines sau đó đưa vào làm việc trong các sòng bạc cơ sở lao động, chủ yếu là casino đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc quản lý với tần xuất làm việc 15-16h/ngày nhưng mức lương chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng; quá trình ở đây họ bị quản lý chặt chẽ, không được tự do đi lại và liên hệ với bên ngoài. Khi không đáp ứng được tần xuất làm việc, chỉ tiêu được giao, vi phạm quy định do phía chủ đề ra như: làm việc không đủ giờ; không lôi kéo đủ số người tham gia đánh bạc trực tuyến, tìm cách liên hệ với bên ngoài… thì bị tra tấn, đánh đập, hành hạ, đối xử thậm tệ. Đáng chú ý nhiều trường hợp đã bị chết ở nước ngoài; gia đình phải dùng số tiền lớn để “chuộc” người về.

Đây thật sự là một vấn nạn mà mọi người cần quan tâm. Để bảo vệ bản thân và gia đình, đặc biệt nâng cao tinh thần cảnh giác trước phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Công an huyện Lạng Giang đề nghị mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác; nếu phát hiện cần báo ngay cho lực lượng Công an huyện (qua số điện thoại trực ban của Công an huyện 02043.881.205) hoặc Công an các xã, thị trấn nơi gần nhất để hướng dẫn, xử lý. Nếu không may trở thành nạn nhân, đề nghị mọi người cần giữ bình tĩnh, giữ thông tin bí mật không để các đối tượng nghi ngờ, tìm cách báo cho gia đình, người thân, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại về địa điểm, địa danh của mình để được hướng dẫn, giúp đỡ giải cứu an toàn. Có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ./.

Công an huyện Lạng Giang.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp