Thứ năm, 07/11/2024
(Thứ hai, 07/10/2024, 09:36 pm GMT+7)
Sáng 07/10/2024, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội do Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì, các đại biểu đã họp, cho ý kiến thẩm tra dự án Luật Dữ liệu. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an tham dự phiên họp, thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án luật.
Quang cảnh phiên họp.


Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN; các đồng chí đại diện các cơ quan, ủy ban của Quốc hội, Thường trực UBQPAN; đại diện các bộ, ngành Trung ương…

Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dữ liệu tai Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

 

Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp.


Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các cá nhân vi phạm pháp luật.  

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý dữ liệu của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dữ liệu.  


Luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.

Tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực UBQPAN đã trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 48/2024/UBTVQH15 ngày 23/7/2024 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung dự án Luật Dữ liệu vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

UBQPAN cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. UBQPAN cho rằng, việc ban hành Luật Dữ liệu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
 


 

Các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật Dữ liệu.

 

Dự thảo Luật được Chính phủ xây dựng với 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm dịch vụ về dữ liệu. UBQPAN nhận thấy, các nội dung quy định trong dự thảo Luật cơ bản bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu; thể chế đúng quan điểm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số…

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu thống nhất đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ, làm rõ thêm, bổ sung một số quy định cụ thể nhằm thuận tiện trong quá trình thực hiện; chú trọng đến tính đồng bộ thống nhất với các luật hiện hành.  

 

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Hải Hưng phát biểu tại phiên họp.


Phát biểu kết luận phiên họp về việc thẩm tra dự án Luật Dữ liệu, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành Luật Dữ liệu trong tình hình hiện nay; khẳng định, hồ sơ dự án Luật Dữ liệu đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng đề nghị, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự án luật.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp