Thứ ba, 31/12/2024
(Thứ ba, 17/12/2024, 11:33 am GMT+7)

      Ngày 09/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP (Nghị định 147) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024. Nghị định 147 ra đời đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và dư luận xã hội. Những điểm mới được quy định trong Nghị định số 147/2024/NĐ-CP được đánh giá là bước tiến trong quản lý không gian mạng và bảo vệ người dùng, giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. 

      Những quan điểm xuyên tạc

     Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành sẽ có hiệu lực vào ngày 25/12/2024. Nghị định áp dụng với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Thế nhưng, ngay sau khi Nghị định được ban hành, nhiều phần tử cơ hội, chống phá đã cố tình vin vào với những lời lẽ thiếu thiện chí, những lập luận vô căn cứ… nhằm vu cáo Việt Nam xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Điển hình như, một số bài viết có quan điểm, luận điệu xuyên tạc tiêu cực như sau:

    (!) Việc xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại đi động tại Việt Nam hoặc số định danh cá nhân, tổ chức “Những người vận động nhân quyền và lao động Châu Á” (AHRLA), xuyên tạc vặn bản này “tấn công trắng trợn” quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam, cho thấy mức độ tự do trên Internet ngày càng kém, tiến dần đến tình trạng ở Trung Quốc.

     (!) Tác giả Cao Nguyên đăng trên Đài Á Châu Tự Do (RFA) với tiêu đề “Người dân sắp mất cả tiền lẫn tự do vì nghị định 147”, trong đó có đoạn “Nghị định 147 sắp có hiệu lực, sẽ như “chiếc đinh đóng vào quan tài”, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận tại Việt Nam”

     (!)HRW: Nghị định 147 của Việt Nam xiết chặt thêm quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do biểu đạt, trong đó có đoạn viết “Nghị định 147 mới ban hành và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam không bảo vệ được người dân trước các mối lo về an ninh mạng đúng nghĩa mà cũng không tôn trọng các quyền cơ bản của con người.”

Ngoài ra còn nhiều bài viết, bài, lồng ghép nhận định xuyên tạc quy định xác thực tài khoản mạng xã hội sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Nhưng thực chất đây chỉ là những quan điểm cá nhân xuyên tạc, tiếng nói “lạc lõng”, của những cá nhân không mong muốn một môi trường mạng xã hội Việt Nam lành mạnh.

      Sự cần thiết của việc ban hành Nghị định 147

     Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, với tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội đạt mức cao. Người dân Việt Nam, từ thanh thiếu niên đến người lớn, sử dụng mạng xã hội hàng ngày để giao tiếp, học tập, giải trí và cập nhật tin tức. Đánh giá mức độ, thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam, theo số liệu báo cáo về thị trường Digital Việt Nam 2023 từ Datareportal, Việt Nam hiện có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet. Trong số đó, có tới 70 triệu người đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội trong năm vừa qua - tương đương với 89,8% người dùng internet và 71,0% tổng dân số Việt Nam.

     Với sự phát triển của mạng xã hội, hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực, đưa thông tin sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… diễn ra khá phổ biến, gây hoang mang cho dư luận, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, trật tự lôi kéo, kích động người dân có những phát ngôn, nhận thức, hành vi lệch chuẩn, chống phá.

     Trước sự phát triển nhanh chóng của các loại hình mạng xã hội, sự gia tăng có hoạt động lợi dụng mạng xã hội có hoạt động vi phạm pháp luật, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm xây dựng một hàng lang pháp lý, quản lý nhà nước chặt chẽ trên không gian mạng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cụ thể: Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội,… Tiến tới là Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, đây sẽ là điều kiện cần thiết, nhằm quản lý nhà nước chặt chẽ trên lĩnh vực này. Nghị định 147 được Chính phủ ban hành nhằm xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, hữu ích, ngăn chặn mọi hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Việc xác thực tài khoản mạng xã hội sẽ giảm thiểu sự giả mạo, ẩn danh; giảm thiểu các thông tin thiếu chính xác; hạn chế lừa đảo trực tuyến.

    Một số điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 147/2024/NĐ-CP

    Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 147, người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc ID (nếu không có số điện thoại). Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký.

   Chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Các tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream với mục đích thương mại như bán hàng, có phát sinh doanh thu thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân.

    Nghị định quy định người sử dụng được bảo vệ thông tin theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng; tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội; tuân thủ quy định về thuế và thanh toán khi có hoạt động kinh doanh, phát sinh doanh thu.

    Các chủ kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng (fanpage) trên các mạng xã hội tại Việt Nam có quyền và trách nhiệm được đăng ký để tham gia các khóa tập huấn, phổ biến quy định pháp luật của Bộ Thông tin và truyền thông, được khuyến nghị lựa chọn quảng cáo; không đặt tên kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng giống hoặc trùng với cơ quan báo chí hoặc gây nhầm lẫn cơ quan báo chí…

    Bên cạnh đó, có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác chậm nhất 48 giờ khi có yêu cầu từ người sử dụng mạng xã hội hoặc chậm nhất không quá 24 giờ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Không lợi dụng để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí. Khi livestream phải tuân thủ quy định tại Nghị định này và quy định chuyên ngành.

    Giải quyết tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”

   Chính phủ ban hành Nghị định 147 là rất cần thiết; xuất phát từ yêu cầu về quản lý Nhà nước cũng như nhu cầu của người dân muốn quản lý chặt chẽ các tài khoản mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trực tuyến. Nghị định 147 được Chính phủ ban hành nhằm xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, hữu ích, ngăn chặn mọi hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia cũng như thực tiễn pháp lý ở nhiều quốc gia trên thế giới.

    Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”. Các nền tảng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an khi có yêu cầu đối với những tài khoản, trang kênh có dấu hiệu vi phạm.

     Việc đưa Nghị định số 147 vào thực tiễn sẽ là một bước đi quan trọng trong bối cảnh các vụ việc lừa đảo có sử dụng mạng xã hội làm công cụ chủ yếu, với tài khoản ảo là nguồn gốc của nhiều vấn đề trên mạng xã hội, như phát tán tin sai lệch, lừa đảo, quấy rối. Các tài khoản gắn liền với danh tính, khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sẽ dễ dàng bị các cơ quan chức năng truy vết và xử lý.

      Những ngày vừa qua nhiều báo đài thiếu thiện chí, các trang mạng của những tổ chức, cá nhân chống phá liên tục đăng tải các bài viết để xuyên tạc về Nghị định 147 cho rằng đó là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Đây là luận điệu theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, tâm lý sợ hãi, lo ngại phần nhiều chỉ xảy ra ở các đối tượng vi phạm pháp luật, cũng như các tài khoản ảo, tài khoản ẩn danh, thường đăng tải, chia sẻ một cách tùy tiện, thiếu trách nhiệm. Hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ cũng là lúc “mảnh đất” hoạt động của hành vi vi phạm pháp luật càng ngày “thu nhỏ”, qua đây gián tiếp vạch trần bộ mặt thiếu thiện chí, tiêu cực, phản động của một số cá nhân, tổ chức. Mỗi người dân sẽ được tiếp cận thông tin “xanh”, được sử dụng các trang mạng xã hội “sạch”, xây dựng môi trường mạng phát triển lành mạnh, văn minh./.

Ngọc Văn - CAHH

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp