Thứ sáu, 13/12/2024
(Thứ năm, 12/12/2024, 08:19 am GMT+7)

Theo pháp lệnh, có 8 nhóm đối tượng được miễn tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

 

Chiều 11/12, với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Pháp lệnh quy định về một số chi phí tố tụng; tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Tăng mức phụ cấp xét xử cho hội thẩm

Một trong những nội dung đáng chú ý là tăng mức phụ cấp xét xử cho hội thẩm lên 900.000đồng/ngày. Phụ cấp xét xử là khoản tiền được chi trả cho hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử. Khoản phụ cấp này được tính theo ngày thực tế tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ, được tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử xác nhận. Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử có trách nhiệm chi trả chi phí cho hội thẩm. Ngoài phụ cấp xét xử, hội thẩm còn được hưởng một hoặc một số chi phí khác...

lê thị nga.jpg -0

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo pháp lệnh.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với TAND Tối cao và các cơ quan hữu quan rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng về danh mục chi phí tố tụng. Hội thẩm được hưởng chế độ bồi dưỡng là 90.000 đồng/ngày từ năm 2012 đến nay. Trong khi, theo Thông tư liên tịch số 191 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thì mức thù lao chi trả cho 1 ngày làm việc của luật sư chỉ định là 0,4 lần mức lương cơ sở. Cụ thể, mức chi phí thù lao cho luật sư chỉ định từ 1/7/2024 là 936.000 đồng mỗi ngày, cao hơn 10 lần mức chi cho hội thẩm.

Trên cơ sở rà soát quy định của pháp luật, đánh giá đầy đủ ý nghĩa, trách nhiệm và công sức của hội thẩm khi tham gia xét xử, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tương quan với một số chủ thể khác khi tham gia hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy mức chi 900.000 đồng/ngày cho hội thẩm như đề nghị của TAND Tối cao là phù hợp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã xin ý kiến của Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ về chi phí thù lao cho người tham gia hoạt động tố tụng là người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Căn cứ ý kiến của các cơ quan, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo pháp lệnh tiếp tục quy định về chi phí thù lao khi tham gia hoạt động tố tụng, không phân biệt giữa đối tượng được hưởng lương và đối tượng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Khi có văn bản hướng dẫn về chế độ tiền lương mới, Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp lệnh nếu cần thiết.

8 nhóm đối tượng được miễn tạm ứng chi phí

Việc xác định chi phí, tạm ứng chi phí, trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí, kinh phí chi trả chi phí trong quá trình tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của pháp lệnh này.

pct.jpg -0

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Theo pháp lệnh, có 8 nhóm đối tượng được miễn tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, tiền tạm ứng chi phí giám định; miễn chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Trong đó gồm: trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số cư trú ở các thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ; người nhiễm chất độc da cam.

Pháp lệnh Chi phí Tố tụng có 73 điều, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Chi phí tố tụng trong pháp lệnh này bao gồm:

1. Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí xem xét tại chỗ;

2. Chi phí định giá tài sản;

3. Chi phí giám định;

4. Chi phí cho Hội thẩm;

5. Chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân;

6. Chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến;

7. Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật;

8. Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài;

9. Chi phí tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án, vụ việc. 

(Điều 3 Pháp lệnh Chi phí tố tụng) 

Theo Báo CAND

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp